Ít nhất 50 sinh viên quốc tế tại. Đại học Bang Arizona (ASU) mất thị thực theo chính sách siết chặt nhập cư của chính quyền Trump, theo tiết lộ từ luật sư đại diện. Ảnh USA Today
Nhiều trường đại học đã ghi nhận trường hợp sinh viên phải rời đi ngay lập tức, phần lớn là được phát hiện khi thị thực của mình bị hủy trong Hệ thống Thông tin Sinh viên và Trao đổi Quốc tế (SEVIS) hoặc nhận được tin nhắn, email thông báo bất ngờ. Các trường đại học được liên hệ về sự việc đều từ chối chia sẻ thông tin chi tiết để đảm bảo bảo mật thông tin của sinh viên.
Các chuyên gia nhập cư cho rằng, họ chưa từng chứng kiến chính phủ liên bang đưa ra những thay đổi sâu rộng đến như vậy đối với những quy trình thường ít được chú ý trong việc tiếp nhận sinh viên quốc tế. Tổ chức Dự án Nhập cư Quốc gia hiện đang lên tiếng phản đối việc thu hồi thị thực, bởi nó ảnh hưởng đến sinh viên tại nhiều bang như California, Colorado, Kentucky, Ohio, Michigan, Massachusetts và Florida.
Dù số lượng thị thực bị thu hồi chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số ước tính 1,5 triệu sinh viên quốc tế đang theo học tại Mỹ, nhưng đã gây chấn động trong cộng đồng học thuật. Một số trường hợp bị thu hồi thị thực xuất phát từ những lý do đơn giản như mâu thuẫn với bạn cùng phòng hay vi phạm giao thông ngoài khuôn viên trường, trong khi nhiều trường hợp khác liên quan đến việc tham gia biểu tình ủng hộ Palestine.
“Tôi đã làm công việc này 25 năm và chưa từng chứng kiến việc 300 sinh viên bị mất thị thực,” ông Len Saunders – luật sư nhập cư tại bang Washington, gần biên giới Canada – cho biết. “Nghe tin 300 visa bị hủy bất ngờ… rõ ràng đây là vấn đề chính trị. Việc có hàng trăm người mất thị thực như thế, bạn biết ngay chuyện gì đang xảy ra.”
Cựu Tổng thống Donald Trump đã tái đắc cử nhờ chiến dịch tranh cử với những chính sách kiểm soát nhập cư mạnh tay. Một số chính trị gia bảo thủ thậm chí còn cáo buộc các nước, đặc biệt là Trung Quốc, đưa sinh viên sang Mỹ nhằm đánh cắp tài sản trí tuệ. Sinh viên quốc tế thường không đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính mà phải đóng học phí đầy đủ, từ đó gián tiếp hỗ trợ về mặt tài chính cho các sinh viên đang theo học trong nước.
Theo số liệu của chính phủ liên bang, bang California có số lượng sinh viên quốc tế đông nhất, với các ngành học phổ biến gồm khoa học máy tính, ngôn ngữ và quản trị kinh doanh. Sinh viên đến từ Ấn Độ và Trung Quốc chiếm khoảng một nửa tổng số sinh viên quốc tế đang học tập tại Mỹ.
Hiện không có thống kê trung tâm nào về số lượng sinh viên bị thu hồi thị thực hay quốc tịch của họ. Nhiều sinh viên nước ngoài tham gia các cuộc biểu tình tại các trường đại học được cho là đến từ Trung Đông.
Luật sư Saunders cho biết ông từng thấy vài trường hợp sinh viên bị thu hồi thị thực mỗi năm do các vi phạm như bị bắt khi lái xe trong tình trạng say xỉn, tuy nhiên hầu hết vẫn được phép hoàn thành khóa học.
Theo yêu cầu của tổng thống Trump, sinh viên bị thu hồi thị thực không bị giam giữ, nhưng họ được yêu cầu phải rời khỏi Mỹ trong vòng 7 ngày. Việc này đã làm bùng nổ một số cuộc biểu tình rải rác, trong đó có tại Đại học Arizona.
Ngoại trưởng Marco Rubio mới đây xác nhận ông đã thu hồi ít nhất 300 thị thực của những sinh viên mà ông mô tả là “kẻ điên”, do có liên quan đến việc ủng hộ Palestine – những hành vi vốn được xem là nằm trong phạm vi quyền tự do ngôn luận tại Mỹ.
“Có thể con số đó giờ đã vượt quá 300. Chúng tôi làm điều đó mỗi ngày. Cứ phát hiện ai trong số những người phản đối cuộc chiến ở Gaza là tôi sẽ thu hồi thị thực của họ,” ông Rubio phát biểu trong một cuộc họp báo.
Tại Đại học bang Colorado, 6 sinh viên đã bị thu hồi thị thực. Một số sinh viên trong số đó đã được cán bộ nhà trường hộ tống ra sân bay để về nước. Hiện chưa rõ các sinh viên này có quyền kháng cáo hay không.
“Cho đến nay, vẫn chưa có lý do cụ thể nào được cung cấp cho những sinh viên bị ảnh hưởng hoặc cho phía Đại học bang Colorado,” bà Kathleen Fairfax – Phó Hiệu trưởng phụ trách đối ngoại cho biết. “Chúng tôi đang hỗ trợ sinh viên liên hệ với các nguồn lực pháp lý phù hợp và tìm hiểu các lựa chọn của họ. Sự hỗ trợ này được cung cấp dựa trên quyết định cá nhân của sinh viên".
Tại Đại học Massachusetts-Amherst, Hiệu trưởng Javier Reyes xác nhận có 5 sinh viên quốc tế bị mất thị thực và kêu gọi các sinh viên khác kiểm tra tình trạng thị thực của mình. Nhà trường cũng cung cấp hỗ trợ tài chính cho các sinh viên bị ảnh hưởng thông qua “Quỹ Thiên thần” – quỹ được thành lập trong nhiệm kỳ Tổng thống Trump đầu tiên nhằm hỗ trợ sinh viên chịu ảnh hưởng từ chính sách nhập cư.
Giáo sư Robert Cohen – Đại học New York, chuyên nghiên cứu các phong trào biểu tình – cho rằng việc nhắm vào sinh viên chỉ vì họ tham gia các cuộc biểu tình hay viết thư ủng hộ Palestine là một hình thức đàn áp quan điểm trái chiều một cách tinh vi. “Điều đó cho thấy ông Donald Trump và chính quyền thực sự không tin vào quyền tự do ngôn luận", ông Cohen nhấn mạnh.
Hội đồng Giáo dục Mỹ và 15 tổ chức giáo dục đại học khác đã yêu cầu chính phủ liên bang có buổi làm việc để giải thích rõ về các quyết định thu hồi thị thực. Trong thư gửi Ngoại trưởng Rubio và một số quan chức ngày 4/4, các tổ chức này khẳng định chính phủ có quyền bảo vệ an ninh quốc gia, nhưng cũng cần có sự minh bạch trong quá trình ra quyết định.
“Những động thái gần đây đã gây ra sự hoang mang và cản trở khả năng của các trường trong việc tư vấn và hỗ trợ sinh viên quốc tế,” bức thư nêu rõ. “Điều quan trọng là các cơ sở giáo dục cần có cơ sở để trấn an sinh viên quốc tế, giúp họ tiếp tục đóng góp tích cực cho cộng đồng học thuật, xã hội và đất nước".
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm