Nguyễn Đức Lương, học sinh lớp 12T1, Trường THPT Đô Lương 3 (Nghệ An) đạt thủ khoa Kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2025. Ảnh: NVCC
Kiên trì đạt mục tiêu
Kỳ thi đánh giá tư duy đợt 3 của Đại học Bách khoa Hà Nội diễn ra vào cuối tháng 4/2025 với hơn 24 nghìn thí sinh tham gia. Với Nguyễn Đức Lương, đây cũng là lần thứ 3 em dự thi với quyết tâm đặt chân vào giảng đường đại học mơ ước.
Trước đó, em đã có 2 lần tham gia kỳ thi này, lần đầu tiên đạt 69,5 điểm, còn lần thứ 2 lại chỉ đạt 62,5 điểm. Số điểm có thể xét tuyển vào nhiều ngành của Đại học Bách khoa, nhưng nam sinh chưa hài lòng với chính mình mà đặt mục tiêu cao hơn. Quy chế tuyển sinh đại học năm nay có nhiều điểm mới, để an toàn và tăng cơ hội trúng tuyển, Nguyễn Đức Lương quyết định thi tiếp đợt cuối cùng.
Ban giám hiệu Trường THPT Đô Lương 3 khen thưởng em Nguyễn Đức Lương đạt kết quả xuất sắc tại kỳ thi đánh giá tư duy. Ảnh: NTCC
Để chuẩn bị, em nghiên cứu kỹ càng bài thi 2 lần trước của mình để khắc phục điểm yếu. Nguyễn Đức Lương có lợi thế nhất về môn Toán, từng đạt giải Nhì thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Hai lần thi đánh giá tư duy, điểm Toán của em đều đạt từ 37 - 38/40 điểm. Tuy nhiên, ở bài thi tư duy đọc hiểu (Ngữ văn) và tư duy khoa học (Vật lí – Hóa học và Sinh học) thì kết quả còn hạn chế.
Nguyễn Đức Lương tìm đến các thầy cô giáo ở Trường THPT Đô Lương 3 để để được hỗ trợ. Em tập trung hơn vào kiến thức phần đọc hiểu (Ngữ văn), theo lời khuyên của thầy cô, phải nắm vững các kiến thức nền tảng, bám sát chương trình. Đồng thời vận dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn, để khi gặp ngữ liệu mới ngoài sách giáo khoa cũng có thể làm được.
Em cũng đăng ký khóa ôn thi trực tuyến cùng với nhóm bạn trong lớp để rèn kỹ năng làm bài, thi thử kiểm tra năng lực bản thân.
Kết quả, Nguyễn Đức Lương đạt 91,29/100 điểm, cũng là thí sinh thủ khoa ở kỳ thi này. Trong đó bài thi Toán em giữ vững phong độ, bài thi khoa học đạt 32/40 điểm còn bài thi đọc hiểu điểm số vượt kỳ vọng với 18/20. “Sau khi thi xong, em dự đoán mình được khoảng hơn 80 điểm, nhưng không ngờ lại đạt 91,29 điểm và là thí sinh đạt điểm cao nhất. Kết quả khiến em rất vui mừng, cơ hội trúng tuyển đại học cũng chắc chắn hơn”, Nguyễn Đức Lương chia sẻ.
Rèn kỹ năng làm bài theo tính chất mỗi kỳ thi
Với thành tích xuất sắc tại kỳ thi đánh giá năng lực, Trường THPT Đô Lương 3 đã kịp thời chúc mừng, khen thưởng em Nguyễn Đức Lương. Qua đó ghi nhận nỗ lực, cố gắng trong học tập của em và tạo động lực thi đua học tập, ôn thi cho các học sinh khác trong trường.
Thầy giáo Hồng Cảnh Trường – giáo viên chủ nhiệm lớp 12T1 cho biết: “Nguyễn Đức Lương là một học sinh thông minh, nghị lực, quyết tâm cao và không bao giờ từ bỏ mục tiêu vì khó khăn, vất vả”.
Gia đình em Nguyễn Đức Lương. Ảnh: NVCC
Theo thầy Trường, các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy do trường đại học tổ chức do học sinh chủ động đăng ký dự thi. Mục tiêu để thêm lựa chọn xét tuyển, tăng cơ hội vào đại học. Tuy nhiên, đối với trường ở vùng nông thôn, việc ôn tập chuẩn bị cho các kỳ thi riêng này của các em gặp không ít khó khăn. Trên địa bàn không có trung tâm ôn thi, điều kiện kinh tế của gia đình học sinh cũng vất vả.
Vì vậy, các thầy cô giáo ở trường luôn động viên, khích lệ và sẵn sàng hỗ trợ khi các em hỏi bài. Nỗ lực và quyết tâm thi đạt điểm cao của Nguyễn Đức Lương đã truyền cảm hứng đến bạn bè trong lớp cũng như học sinh khối 12 đang tích cực chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Tập thể lớp 12T1, Trường THPT Đô Lương 3, Nghệ An. Ảnh: NVCC
Sau 3 lần liên tiếp tham gia kỳ thi đánh giá tư duy, Nguyễn Đức Lương chia sẻ đã rút ra nhiều kinh nghiệm. Cấu trúc của các đề thi đánh giá năng lực, tư duy và đề thi thông thường khác nhau khá nhiều. Đây là kỳ thi của trường đại học, nên không có đề tham khảo hay minh họa như đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT. Trong đó có nhiều hỏi hỏi gây nhiễu khiến thí sinh rất dễ nhầm lẫn. Vì thế, khi làm bài thi đánh giá tư duy đó là phải đọc kỹ đề, đọc kỹ các đáp án để tìm ra câu trả lời chính xác. Một số câu hỏi kiến thức không khó nhưng đòi hỏi học sinh phải có tư duy. Muốn làm các dạng đề này, cần phải ôn luyện, làm nhiều bài tập để tạo phản xạ tư duy.
Kỳ thi đánh giá tư duy cũng rất áp lực về mặt thời gian. Với bài tư duy toán học và tư duy khoa học, mỗi phần có 40 câu hỏi trả lời trong 60 phút. Ở phần thi đọc hiểu, thí sinh chỉ có 30 phút để trả lời 2 bài tập lớn (mỗi bài 10 câu hỏi) cũng là một thử thách với các học sinh thiên về khối tự nhiên. Lương chia sẻ em xác định trong 30 giây không trả lời được em sẽ bỏ qua. Sau này, khi hoàn thành các câu hỏi dễ em mới quay trở lại với các câu hỏi khó để không đánh mất thời gian.
Sau khi đạt thành tích xuất sắc tại kỳ thi đánh giá tư duy, Nguyễn Đức Lương không cho phép mình nghỉ ngơi, chủ quan trong học tập. “Em đang tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhưng kiến thức đã tích lũy được trước đó cũng giúp ích, hỗ trợ em rất nhiều cho kỳ thi quan trọng sắp tới. Em sẽ cố gắng để trúng tuyển vào ngành yêu thích của Đại học Bách khoa Hà Nội”, Nguyễn Đức Lương cho biết.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm