Doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt để chiếm chỗ trong chuỗi phân phối đã có sẵn hệ sinh thái. Ảnh minh họa: INT
Với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký và hai hiệp định đang trong quá trình đàm phán, Việt Nam đã mở rộng hợp tác thương mại với hơn 60 thị trường lớn nhỏ trên khắp thế giới.
Thế nhưng, những điểm nghẽn trong triển khai FTA, xung đột địa chính trị, việc dịch chuyển chuỗi cung ứng và làn sóng bảo hộ thương mại ngày càng tăng vẫn là những bài toán cần có lời giải.
Chưa tận dụng được hết “dư địa”
Thống kê của Bộ Công Thương, năm 2024, hầu hết các thị trường xuất khẩu đều phục hồi tăng trưởng, trong đó các thị trường có FTA với Việt Nam tăng trưởng cao. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan theo FTA của doanh nghiệp Việt Nam đã đạt khoảng 37%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt hơn 786,28 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Các FTA không chỉ giúp đa dạng hóa thị trường, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống, mà còn tạo điều kiện thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao từ các đối tác lớn, tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việc cắt giảm thuế nhập khẩu gần bằng 0% đối với hàng ngàn mặt hàng giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh. Nếu hiểu đúng – làm đúng – các quy định về xuất xứ, thì một sản phẩm “Made in Vietnam” có thể hiện diện đường hoàng ở các siêu thị châu Âu, châu Mỹ, với giá thành cạnh tranh nhưng chất lượng đạt chuẩn quốc tế.
Việc đảm bảo các yêu cầu của hiệp định thương mại tự do FTA thời gian qua cũng là động lực để doanh nghiệp chuyển đổi số, áp dụng công nghệ vào quản lý chuỗi cung ứng, xây dựng thương mại điện tử xuyên biên giới và thúc đẩy thương hiệu Việt.
Bên cạnh những thuận lợi, thực tế cho thấy, phần lớn doanh nghiệp Việt – nhất là nhóm vừa và nhỏ – vẫn đang loay hoay trong việc khai thác lợi ích từ FTA. Những quy định phức tạp về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn lao động, môi trường, truy xuất nguồn gốc… là rào cản không nhỏ. Không ít doanh nghiệp ngại thử nghiệm vì thiếu nguồn lực, thiếu thông tin và thậm chí thiếu niềm tin rằng mình có thể bước chân vào “sân chơi lớn”.
Ông Phạm Tùng Linh – Phó Tổng Giám đốc Công ty May Đức Giang chia sẻ: “Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Tổng Công ty Đức Giang, rất ít cơ hội giao tiếp trực tiếp với khách hàng nước ngoài. Việc thiếu tương tác này khiến thông tin thị trường bị chậm trễ, và doanh nghiệp khó triển khai được các giải pháp kịp thời để đáp ứng nhu cầu đối tác”.
Theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp còn gặp thách thức cạnh tranh trong chuỗi cung ứng. Trong khi các tập đoàn đa quốc gia đã định hình hệ sinh thái toàn cầu thì doanh nghiệp Việt vẫn đang chật vật tìm “chỗ đứng” cho mình. Việc tìm kiếm, phát triển song song các thị trường tiềm năng như: Canada, Peru, Mexico, Australia... vẫn diễn ra chậm do thói quen kinh doanh và thiếu sự hỗ trợ cụ thể.
Ông Đinh Sỹ Minh Lăng - Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ, Bộ Công Thương, cho biết: “Việc tham gia hiệp định thương mại tự do với các quốc gia có trình độ kỹ thuật cao hơn, đó luôn là thách thức với Việt Nam.
Doanh nghiệp cần nắm rõ thị hiếu của người tiêu dùng, xu hướng tiêu dùng, các tiêu chuẩn bền vững, các cam kết trong hiệp định tự do thế hệ mới... Hiểu rõ trước khi hành động sẽ giảm tối đa rủi ro và chi phí phát sinh”.
Một nguyên nhân căn bản khác mang tính quyết định, đó là doanh nghiệp gặp khó khăn trong đáp ứng tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu, đây chính là nguyên nhân thứ tư khiến doanh nghiệp khó tận dụng dư địa từ các FTA.
Các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản không chỉ yêu cầu sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm dịch nghiêm ngặt, mà còn đặt ra các tiêu chuẩn về phát triển bền vững, giảm phát thải carbon, sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường.
Cuộc chơi không dành cho kẻ bị động
FTA thế hệ mới chính là “tấm vé vàng” trong cuộc chơi toàn cầu. Nếu muốn sở hữu – doanh nghiệp buộc phải thay đổi: Nâng cấp công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, đầu tư cho truy xuất nguồn gốc và minh bạch thông tin – những yêu cầu tưởng như chỉ dành cho các “ông lớn” nay đã trở thành chuẩn mực bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn hưởng lợi thực sự từ các cam kết thuế quan.
Bên cạnh đó, những tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, môi trường, quyền lao động… không chỉ là thủ tục, mà là thước đo để thị trường đánh giá năng lực bền vững của doanh nghiệp.
Ông Đinh Sỹ Minh Lăng nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp Việt Nam cần luôn cập nhật các thông tin mới, đào tạo đội ngũ cách tiếp cận và tận dụng FTA một cách triệt để; sẵn sàng cải tiến sản phẩm, quy trình để đáp ứng quy định của các thị trường quốc tế và đủ tiêu chuẩn để hưởng lợi từ các hiệp định thương mại. Cần tận dụng tối đa lợi thế và cơ hội của ‘người đi trước’ để tạo chỗ đứng vững chắc tại các thị trường đối tác”.
Nhận diện rõ những thách thức trong quá trình tận dụng các FTA, Chính phủ Việt Nam đã có những bước đi chiến lược. Theo Nghị quyết 124/NQ-CP, Chính phủ giao Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch đàm phán FTA năm 2025, đẩy mạnh xúc tiến thương mại với các thị trường chủ lực và mới nổi.
Đồng thời, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng được yêu cầu trở thành “cánh tay nối dài” của doanh nghiệp, từ cung cấp thông tin đến hỗ trợ tiếp cận khách hàng.
Bên cạnh đó, cần một hệ thống thể chế minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp áp dụng FTA, như: Chuẩn hóa quy trình cấp C/O, xây dựng nền tảng thông tin tập trung về FTA, tổ chức đào tạo chuyên sâu theo ngành hàng, khu vực và thị trường mục tiêu.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan và địa phương triển khai phương án đàm phán với Hoa Kỳ, xúc tiến tham gia Hiệp định Công nghệ thông tin mở rộng (ITA2), và khai thác vai trò của các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp ngay tại thị trường đích.
Trong “cơn sóng lớn” của kinh tế toàn cầu, FTA không chỉ là phao cứu sinh, mà còn là đòn bẩy để Việt Nam định vị lại mình trong chuỗi giá trị toàn cầu. Cánh cửa đã mở, nhưng đi được bao xa – vẫn là câu chuyện của mỗi doanh nghiệp. Hiệp định thương mại tự do FTA đặc biệt là những hiệp định thế hệ mới như CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) hay EVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu) – không chỉ đơn thuần là ưu đãi thuế. Chúng đòi hỏi một cuộc “lột xác” toàn diện của doanh nghiệp trong tư duy, quy trình sản xuất, quản trị và cả cách tiếp cận thị trường.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm