Đề xuất hòa bình được mô tả là “lời đề nghị cuối cùng” của Mỹ dành cho Ukraine đã được chuyển đến các quan chức Ukraine trong cuộc đàm phán tại Paris vào tuần trước.
Cùng với bản đề xuất hòa bình cuối cùng, Mỹ đã cảnh báo nếu các bên không đạt được tiến triển đáng kể, Mỹ có thể rút khỏi vai trò trung gian đàm phán. Ảnh IT
Vòng đàm phán tiếp theo giữa các đại diện Ukraine, Mỹ và các nước châu Âu sẽ diễn ra tại London vào hôm nay 23/4. Phía Mỹ kỳ vọng Ukraine sẽ đưa ra phản hồi chính thức đối với đề xuất cuối cùng của họ tại cuộc họp này. Phái đoàn Mỹ do Đặc phái viên về Ukraine Keith Kellogg dẫn đầu.
Đề xuất bao gồm việc công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với một số khu vực mà Moscow đang chiếm đóng, đổi lại Ukraine sẽ nhận được đảm bảo an ninh và hỗ trợ kinh tế từ các nước phương Tây.
Cụ thể, Mỹ đề xuất công nhận bán đảo Crimea là một phần lãnh thổ chính thức của Nga đồng thời chấp nhận việc Nga tiếp tục kiểm soát gần như toàn bộ tỉnh Lugansk, các phần lãnh thổ họ đã chiếm đóng ở Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia.
Ukraine sẽ phải cam kết từ bỏ mục tiêu gia nhập NATO, tuy nhiên vẫn được phép tiếp tục con đường gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Ngoài ra, Mỹ cũng đề xuất dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga đã áp đặt từ năm 2014, đồng thời thúc đẩy hợp tác Mỹ-Nga trong các lĩnh vực năng lượng và công nghiệp.
Đổi lại, Ukraine sẽ nhận được các đảm bảo an ninh, có thể có sự tham gia của các quốc gia châu Âu. Văn bản không nói rõ liệu sẽ có lực lượng gìn giữ hòa bình hay không, và cũng không đề cập đến sự tham gia quân sự của Mỹ.
Ukraine sẽ được lấy lại một phần nhỏ của tỉnh Kharkov và vẫn giữ quyền tiếp cận sông Dnipro. Hỗ trợ tái thiết và bồi thường thiệt hại cũng nằm trong đề xuất, dù chưa rõ nguồn tài chính cụ thể sẽ đến từ đâu.
Với nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, đề xuất nêu rõ Ukraine vẫn là chủ sở hữu hợp pháp, nhưng hoạt động vận hành sẽ do Mỹ quản lý. Một thỏa thuận khai thác khoáng sản cũng được đề cập, và Washington hy vọng Kiev sẽ ký kết trong tuần này.
Theo Axios, bản đề xuất được đưa ra sau cuộc gặp gần đây giữa đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Witkoff dự kiến sẽ quay lại Moscow trong những ngày tới để tiếp tục đàm phán.
Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần khẳng định Ukraine không chấp nhận mất bất kỳ lãnh thổ nào. Nếu đồng ý, đề xuất này sẽ là một bước ngoặt lớn trong lập trường của Kiev kể từ khi chiến tranh nổ ra năm 2022.
Washington đã cảnh báo nếu các bên không đạt được tiến triển đáng kể, Mỹ có thể rút khỏi vai trò trung gian đàm phán.
Trong khi đó, Ukraine đang thúc đẩy một đề xuất ngừng bắn kéo dài 30 ngày, nhằm bảo vệ dân thường khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa và máy bay không người lái.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm