Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Quách Mạnh Hào, Giáo sư Tài chính và Ngân hàng, Đại học Lincoln (Anh) cho rằng cuộc chiến này thực sự chưa biết ai thắng, nhưng Trung quốc rõ ràng đã không ở vị thế của "kẻ bị bắt nạt".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: Trung Quốc không sợ hãi!
Theo Hãng tin CNN, trong cuộc họp với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tại Bắc Kinh vào ngày 11/04, lần đầu tiên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bình luận về cuộc chiến với Mỹ. Ông tuyên bố Trung Quốc "không sợ hãi" và nói rằng sẽ chẳng ai thắng trong cuộc chiến thuế quan.
"Không có người chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại và đi ngược lại thế giới sẽ chỉ dẫn đến tự cô lập", ông Tập Cận Bình chia sẻ.
Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, hơn 70 năm qua, sự phát triển của Trung Quốc dựa trên tự lực và làm việc cần mẫn, không bao giờ dựa vào sự ban phát của người khác, và cũng không sợ bất kỳ hành vi đàn áp bất công nào.
"Bất kể môi trường bên ngoài thay đổi như thế nào, Trung Quốc sẽ vẫn tự tin, tập trung và chú tâm vào quản lý tốt công việc của mình. Nếu Mỹ tiếp tục tăng thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc, Trung Quốc sẽ phớt lờ điều đó", ông Tập nói thêm.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục leo thang khi Bắc Kinh thông báo nâng thuế nhập khẩu 125% với hàng của Mỹ.
Cuộc thương chiến thuế quan giữa Mỹ - Trung Quốc bắt đầu khi Tổng thống Donald Trump công bố chính sách thuế quan áp đặt mức thuế cao (từ 10% đến 50%) lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngay sau thông tin đó, hai nền kinh tế lớn nhất, nhì thế giới này đã có những phản ứng quyết liệt theo hướng “ăn miếng trả miếng” và đỉnh điểm là ngày 11/4, Trung Quốc công bố tăng thuế quan đối với hàng hóa Mỹ lên mức 125% sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế quan với Trung Quốc lên 145%.
Phản ứng của Trung Quốc cùng tuyên bố của người đứng đầu đất nước cho thấy nước này sẵn sàng "chiến đấu đến cùng", thể hiện lập trường cứng rắn, không nhân nhượng.
Giới chuyên gia kinh tế phân tích, trong cuộc chiến này khó phân biệt được ai là người chiến thắng. Theo tương quan lực lượng, hiện Mỹ nắm lợi thế trong ngắn hạn nhờ vào khả năng ảnh hưởng mạnh mẽ lên thị trường toàn cầu và vị thế đồng USD.
Tuy nhiên, Trung Quốc chưa chắc đã thua trong cuộc chiến thương mại này nếu họ kiểm soát xuất khẩu, đặc biệt là các khoáng sản quan trọng như đất hiếm, nhằm tạo áp lực chiến lược lên Mỹ. Vì đất hiếm là vật liệu then chốt cho ngành công nghệ cao và quân sự của Mỹ.
Bên cạnh đó, Trung Quốc là nước đông dân nhất thế giới nên thị trường nội địa rộng lớn đủ sức tiêu thụ sản phẩm mà không phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng tác động mạnh mẽ lên đồng Nhân dân tệ để giảm tác động của các biện pháp thuế quan từ Mỹ.
Chuyên gia Quách Mạnh Hào phân tích, sau khi Mỹ và Trung Quốc liên tục đưa ra các mức thuế cao đánh vào nhau, điều mà có thể thực tế không còn tác dụng gì nữa về mặt thay đổi xuất nhập khấu giữa hai nước thì các công cụ khác leo thang được thực hiện.
“Lo ngại Trung Quốc, nước nắm giữ nhiều Trái phiếu Mỹ, bán sẽ tạo ra sức ép lên lợi suất, lãi suất, lạm phát, suy thoái kinh tế, vị thế đồng USD... ngày càng lớn. Cuộc chiến này thực sự chưa biết ai thắng, nhưng Trung Quốc rõ ràng đã không ở vị thế của kẻ bị bắt nạt.”, ông Hào phân tích.
Về tỷ lệ nắm giữ trái phiếu Chính phủ Mỹ, Trung Quốc hiện giảm tỷ lệ nắm giữ xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009. Theo dữ liệu mới công bố của Bộ Tài chính Mỹ, năm 2024, Trung Quốc nắm giữ 759 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ, giảm gần 60 tỷ so với năm trước đó và là mức thấp nhất kể từ năm 2009.
Thương chiến thuế quan Mỹ - Trung Quốc, Việt Nam ngư ông đắc lợi?
Thương chiến thuế quan Mỹ - Trung Quốc lên đỉnh điểm và Việt Nam có thể hưởng lợi trong ngắn hạn nhờ chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, đặc biệt là thuỷ sản.
Với vị thế là quốc gia sản xuất và xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ mất thị phần tại Mỹ, buộc họ phải chuyển hướng sang các thị trường khác. Năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Trung Quốc đạt 4,08 triệu tấn, tăng 12,4% và giá trị 19,5 tỷ USD, tăng 0,5% so với năm trước đó.
Thị trường Mỹ từng chiếm 15 - 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc và đang thu hẹp đáng kể do thương chiến, thuế quan. Năm 2024, xuất khẩu thủy sản Trung Quốc sang Mỹ chỉ còn 354,9 nghìn tấn, giảm 14% so với 700 - 900 nghìn tấn năm 2023.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) dự báo nếu xu hướng này tiếp diễn, đến năm 2028, giá trị xuất khẩu thủy sản Trung Quốc có thể giảm xuống còn 9,2 tỷ USD (so với 11,6 tỷ USD năm 2023), mất đi 1/4 giá trị do các rào cản thương mại. Do vậy, Việt Nam vẫn có thể tận dụng một số cơ hội từ nhu cầu ổn định của người tiêu dùng Mỹ để đẩy mạnh xuất khẩu tôm và cá tra, gia tăng thị phần trước sự suy giảm thủy sản Trung Quốc sang Mỹ.
“Song thách thức cũng đặt ra khi Trung Quốc tăng xuất khẩu sang EU, Nhật Bản (nơi Việt Nam chiếm 15-17% và 14-15% kim ngạch) tạo áp lực cạnh tranh lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có nguy cơ chịu áp lực lớn hơn từ Mỹ nếu bị cáo buộc là nơi trung chuyển hàng hóa Trung Quốc né thuế và đe dọa uy tín”, VASEP phân tích.
Tuy nhiên VASEP cho rằng để tận dụng cơ hội này và tăng cường xuất khẩu sang Mỹ, các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam cần trung vào các sản phẩm chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ và chế biến giá trị gia tăng để lấp khoảng trống Trung Quốc để lại. Bên cạnh đó, đàm phán với Mỹ để tránh thuế chống bán phá giá, cung cấp dữ liệu minh bạch về nguồn gốc và giá thành.
“Tăng cường kiểm soát hải quan, kiếm soát xuất xứ, minh bạch truy xuất nguồn để đảm bảo thủy sản xuất khẩu là 100% từ Việt Nam. Hợp tác với Mỹ để giám sát chuỗi cung ứng, tránh bị nghi ngờ lẩn tránh thuế. Đầu tư vào công nghệ chế biến, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế (FDA, ASC, MSC) để tạo sự khác biệt với hàng Trung Quốc. Xây dựng thương hiệu “thủy sản Việt Nam” gắn với bền vững, sạch và minh bạch”, VASEP phân tích.
Cùng với đó, VASEP cho rằng, doanh nghiệp thuỷ sản cũng cần chuyển hướng và đa dạng thị trường, tránh phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ hoặc Trung Quốc. Đẩy mạnh xuất khẩu sang EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, qua các FTA (EVFTA, CPTPP, RCEP). Ví dụ, tôm Việt Nam vào EU được miễn thuế, trong khi hàng Trung Quốc chịu 12-20%. Khai thác thị trường mới như Trung Đông, Nam Mỹ để phân tán rủi ro.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm