Tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: NTCC.
Từ đầu năm học 2024 - 2025, Trường THCS Trực Thuận (huyện Trực Ninh, Nam Định) đã ra thông báo về quy tắc ứng xử văn hóa của học sinh trong trường đối với thầy cô giáo, bạn bè, gia đình. Theo đó, trong điều 18 ứng xử với bạn bè, chương III Bộ quy tắc ứng xử của học sinh, ứng xử với bạn bè của nhà trường có nêu: Chào hỏi xưng hô với bạn đảm bảo thân mật, cởi mở, trong sáng; không có hành vi, lời nói xúc phạm, khiếm nhã, trêu trọc, khiêu khích. Không gọi nhau, xưng hô bằng những từ chỉ để dành cho những người tôn kính như ông bà, cha mẹ. Không gọi tên bạn gắn với tên cha mẹ hoặc khiếm khuyết ngoại hình, hoặc đặc điểm cá biệt về tính nết. Không gọi nhau bằng những từ ngữ phim ảnh, giang hồ (đại ca, sư tỉ…). Khi thăm hỏi, giúp đỡ bạn bè phải đảm bảo chân thành tế nhị, không che giấu khuyết điểm của nhau, không xa lánh, coi thường người bị bệnh, tàn tật hoặc người có hoàn cảnh khó khăn...
Nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình với việc nhà trường đưa ra bộ quy tắc ứng xử mẫu mực trong nhà trường để học sinh tuân thủ, giáo viên, nhân viên có cơ sở hướng dẫn, nhắc nhở học sinh thực hiện theo đúng nội dung đã được quy định. PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhìn nhận cần thiết phải có một bộ quy chế xưng hô trong nhà trường, giúp việc xưng hô vừa theo chuẩn mực văn hóa mà vẫn tạo nên một bầu không khí thoải mái, hạnh phúc và thân thiện giữa thầy và trò, giữa bạn bè, đồng nghiệp. Trong thực tế đã có không ít vụ việc được đưa lên mạng xã hội vì cách cách xưng hô thiếu chuẩn mực, hành vi mắng chửi học sinh trong lớp… của giáo viên không thể chấp nhận. Thầy cô cần chuẩn mực, là tấm gương nhân cách để dạy học trò. Tương tự như vậy, việc ứng xử, xưng hô giữa học sinh với học sinh, học sinh với thầy cô trong môi trường giáo dục cũng cần có những chuẩn mực để học sinh tuân theo.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội Nguyễn Tùng Lâm, cũng cần linh hoạt trong từng trường hợp thay vì cứng nhắc quy kết bởi ngày nay có nhiều kiểu xưng hô giữa học sinh với nhau. Tiếng Việt rất phong phú với các đại từ nhân xưng đa dạng, phản ánh sự gần gũi, thân mật nhưng cũng có thể có phần thiếu tôn trọng nếu không được sử dụng đúng cách. Vì vậy, việc giáo dục học sinh về quy tắc ứng xử và xưng hô là rất quan trọng để giúp học sinh phát triển một cách văn minh, lịch sự, và tôn trọng người khác.
Từ nhiều năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quan tâm đến việc giáo dục văn hóa học đường và coi đây là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường học tập tiến bộ cũng như hình thành nhân cách học sinh. Từ năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo tạo đã ban hành Thông tư số 06 quy đinhh Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên nhằm điều chỉnh cách ứng xử của các thành viên trong cơ sở giáo dục theo chuẩn mực đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc, phù hợp với đặc trưng văn hóa của địa phương và điều kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục; ngăn ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi tiêu cực, thiếu tính giáo dục trong cơ sở giáo dục.
Bộ cũng chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng” gắn với lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thông qua việc xây dựng văn hóa học đường giúp đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường – nỗi trăn trở của không chỉ riêng ngành giáo dục mà của toàn xã hội hiện nay.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm