Ứng cử viên Donald Trump và Kamala Harris tranh luận trên truyền hình.
Ngoài Trung Đông, tổng thống tiếp theo của Mỹ sẽ phải vật lộn với các chủ đề liên quan đến Trung Quốc.
"Đáng tiếc là cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ không chỉ có chính sách gần như không thể phân biệt được đối với Trung Quốc mà còn thể hiện trong suốt thời gian đương nhiệm của mình một cam kết lưỡng đảng về việc không ngừng căng thẳng với Bắc Kinh", Brian Berletic, nhà phân tích địa chính trị và là cựu lính thủy đánh bộ Mỹ, nói với Novosti.
Học giả này cho biết thêm, các ứng cử viên "trình bày chương trình nghị sự liên tục độc đáo này theo cách riêng của họ - ông Donald Trump theo cách mang tính dân tộc chủ nghĩa hơn, và bà Kamala Harris bằng cách liên kết nó với việc duy trì 'trật tự quốc tế' do Mỹ lãnh đạo".
Cũng theo Berletic, Washington "liên tục khuyến khích tình hình ở đảo Đài Loan (Trung Quốc) bằng cách đầu tiên là đồn trú, sau đó mở rộng sự hiện diện của quân đội Mỹ trên chính hòn đảo này.
Tiếp theo nhanh chóng cải tổ quân đội Mỹ, bao gồm toàn bộ Thủy quân Lục chiến Mỹ, để tiến hành một cuộc chiến tranh trong tương lai với Trung Quốc ngoài khơi bờ biển của nước này với đảo Đài Loan, nơi được quốc tế công nhận là một phần lãnh thổ của Trung Quốc".
Theo nhà phân tích, cả hai ứng cử viên đều có kế hoạch tiếp tục sử dụng vấn đề đảo Đài Loan làm điểm gây sức ép để kích động căng thẳng giữa Trung Quốc và các quốc gia mà Mỹ vẫn có ảnh hưởng đáng kể, bao gồm Châu Âu, Úc và Philippines.
Ông nhấn mạnh rằng các bước đi của Tổng thống Biden sẽ không thể thực hiện được nếu không có những hành động mà ông Trump đã thực hiện "để chuẩn bị sân khấu".
Berletic chỉ ra rằng: "Bất kể ai thắng cử vào tháng 11 này, các bước đi được thực hiện dưới thời chính quyền ông Biden sẽ cho phép chính sách liên quan đến Trung Quốc này được theo đuổi xa hơn nữa và theo cùng một hướng - hướng tới leo thang".
Ông nói thêm rằng quá trình quân sự hóa hơn nữa ở Châu Á - Thái Bình Dương đã và đang diễn ra, ám chỉ đến việc thành lập nhóm QUAD, diễn ra dưới thời ông Trump.
"Dưới thời chính quyền ông Biden, nó đã được mở rộng cùng với việc thành lập AUKUS. Cả hai nhóm đều đại diện cho những nỗ lực hướng tới cái có thể được mô tả là NATO Thái Bình Dương", theo nhà phân tích.
Elijah J. Magnier, một phóng viên chiến trường kỳ cựu và nhà phân tích chính trị với hơn 35 năm kinh nghiệm đưa tin về Trung Đông và Bắc Phi, cũng nói rằng "có rất nhiều mâu thuẫn" trong những gì cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ nói và làm về các vấn đề liên quan đến Trung Đông.
"Chúng tôi đã nghe chính quyền Mỹ, cả ông Joe Biden và bà Kamala Harris, nói rằng họ muốn ngừng bắn ở Gaza và Lebanon, nhưng họ lại hỗ trợ Israel tất cả các loại vũ khí mà Israel cần, cũng như đạn dược để hỗ trợ cho cuộc chiến ở Gaza", Magnier nhấn mạnh.
Ông Magnier cho biết: "Chúng ta đã nghe cựu Tổng thống Mỹ Trump nói rằng ông ấy muốn chấm dứt chiến tranh ở Gaza, nhưng sau đó lại nói rằng Israel quá nhỏ và cần phải mở rộng... Mở rộng Israel có nghĩa là sẽ có nhiều cuộc chiến hơn với các nước láng giềng. Chúng ta đang nói đến Lebanon, Jordan, Ai Cập.
Đây là lý do tại sao nếu ông Trump thắng, tôi không nghĩ ông ấy sẽ có thể thực hiện được những gì đã hứa - ngăn chặn chiến tranh ở Trung Đông, và sau đó tìm ra giải pháp cho Iran, mà cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều áp đặt lệnh trừng phạt, và đảng Cộng hòa thậm chí còn áp đặt nhiều lệnh trừng phạt hơn nữa".
Nhà phân tích Magnier kết luận: "Do đó, xét cho cùng, có một thể chế ở Mỹ và trong chính quyền mà cả hai ứng cử viên đều cần tuân thủ vì lợi ích toàn cầu của Mỹ và các đồng minh; trong trường hợp này là Israel".
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm