Dân trí cho biết, theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 43.628 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái), tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam.
Trong đó đã có 22 người tử vong (tăng 17 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái) tại TPHCM (6), Bình Dương (5), Tây Ninh (3), Đồng Nai (3), Đồng Tháp (1), Sóc Trăng (1), Bạc Liêu (1), Long An (1), Bình Phước (1).
Riêng tại TP HCM, theo Thanh niên, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2022, thành phố ghi nhận 11.722 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (tăng 66,5% với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, số ca sốt xuất huyết nặng là 209 ca (tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2021).
Trong tuần 22 (từ ngày 27/5/2022 đến 2/6/2022), thành phố ghi nhận 111 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 79 phường, xã thuộc 20 quận, huyện, TP.Thủ Đức. Với 1.504 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 329 ca (28%) so với trung bình 4 tuần trước. Số ca sốt xuất huyết tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú.
Ảnh minh hoạ
Chia sẻ trên Sức khoẻ & Đời sống, bà Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM cho biết, bệnh sốt xuất huyết hiện đang gia tăng không chỉ ở TP HCM mà ở các tỉnh, thành khác, đặc biệt các tỉnh miền Nam.
Các quốc gia khác cũng đang cảnh báo bệnh sốt xuất huyết. Từ nay đến cuối năm 2022, có thể xảy ra dịch lớn về sốt xuất huyết nếu không có giải pháp, đặc biệt sau 2 năm chống đại dịch covid-19 nhiều người không quan tâm đến sốt xuất huyết.
Theo bà Nga, ổ sinh sản của muỗi lây bệnh sốt xuất huyết xuất hiện ở khắp nơi. Muỗi có thể bay và truyền bệnh trong phạm vi 50m xung quanh ổ sinh sản. Đặc biệt loài muỗi vằn hoạt động cả ban ngày nên có thể lây bất cứ nơi đâu.
Bộ Y tế cũng cảnh báo hiện là cao điểm mùa dịch, số mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây. Dự báo số mắc thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, cần vận động người dân lật úp các dụng cụ chứa nước đọng không sử dụng, đậy kín dụng cụ chứa nước để ngăn muỗi đẻ trứng và diệt muỗi, lăng quăng bọ gậy phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Tổ chức tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giảm sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt lăng quăng/bọ gậy, xử lý ổ dịch, kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế dự phòng.
Cục Y tế dự phòng có công văn đề nghị lãnh đạo các Viện Pasteur TPHCM, Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Tây Nguyên thành lập ngay các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương, đặc biệt là các tỉnh, huyện, vùng nóng ghi nhận số mắc và tử vong do sốt xuất huyết cao.
Ngoài ra, phân tích, đánh giá tình hình, nguyên nhân gia tăng sốt xuất huyết và nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại các tỉnh thành phố thuộc khu vực phụ trách. Hướng dẫn các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, đảm bảo phát hiện bệnh nhân sớm để điều trị kịp thời, tránh bệnh chuyển độ nặng. Cục cũng lưu ý tổ chức xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại khu vực có nguy cơ cao.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm