Theo thông tin trên báo Sức khoẻ & Đời sống, mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ và Y tế các bộ, ngành về kê đơn thuốc kháng virus Covid-19.
Tại văn bản này, Bộ Y tế đề nghị các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện kê đơn thuốc kháng virus điều trị Covid-19 theo quy định tại Thông tư số 52/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 và Thông tư số 18/2018/TT-BYT ngày 22/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 52/2017/TT-BYT quy định về đơn thuốc và kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú.
Về hướng dẫn sử dụng thuốc, thực hiện theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 của Bộ Y tế, hiện nay thực hiện theo Quyết định số 250/QĐ BYT ngày 28/01/2022 và Quyết định số 437/QĐ-BYT ngày 27/02/2022 của Bộ Y tế; và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đi kèm với thuốc đã được phép lưu hành.
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc thực hiện kê đơn thuốc kháng virus điều trị Covid-19 đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành. Giám đốc các Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Thủ trưởng Y tế ngành quan tâm và khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện.
Theo Bộ Y tế, quyết định này được đưa ra nhằm triển khai sử dụng thuốc kháng virus điều trị Covid-19 an toàn, hiệu quả, đảm bảo người dân sớm tiếp cận thuốc và đúng đối tượng điều trị.
Ảnh minh hoạ
Hiện tại, theo Quyết định số 250/QĐ BYT về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 của Bộ Y tế có 4 loại thuốc kháng virus điều trị Covid-19 là: Remdesivir; Favipiravir; Nirmatrelvir kết hợp với Ritonavir1 và Molnupiravir.
Quyết định số 437/QĐ- BYT về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 của Bộ Y tế nêu rõ, đối với Remdesivir, chỉ định cho người bệnh nội trú, mức độ nhẹ và có ít nhất một yếu tố nguy cơ tiến triển nặng; mức độ trung bình và nặng, khởi phát bệnh chưa quá 10 ngày có suy hô hấp phải thở ôxy, thở HFNC, thở máy không xâm nhập.
Ngoài ra, đối với Molnupiravir, được chỉ định cho bệnh nhân Covid-19 người lớn từ 18 tuổi trở lên mức độ nhẹ đến trung bình và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.
Về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam, Bản tin phòng chống dịch Covid-19 ngày 6/5 của Bộ Y tế cho biết, tính từ 16h ngày 05/5 đến 16h ngày 06/5, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.819 ca nhiễm mới, trong đó 0 ca nhập cảnh và 3.819 ca ghi nhận trong nước (giảm 486 ca so với ngày trước đó) tại 56 tỉnh, thành phố (có 2.706 ca trong cộng đồng).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.670.570 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 107.840 ca nhiễm).
Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) này, số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.662.820 ca, trong đó có 9.313.420 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.590.463), TP. Hồ Chí Minh (608.660), Nghệ An (482.350), Bắc Giang (385.581), Bình Dương (383.496).
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm