Theo thông tin trên báo Thanh niên, sáng nay (26/4) đã diễn ra hội nghị trực tuyến về làm sạch dữ liệu tiêm chủng Covid-19, triển khai đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025 giữa các Bộ Y tế, Thông tin truyền thông, Công an với lãnh đạo tỉnh thành.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tới đây, trong nước sẽ bỏ khai báo y tế, truy vết nội địa. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) sẽ có hướng dẫn từng bước thực hiện bình thường hóa; chỉ khai báo y tế đúng điều lệ y tế quốc tế chứ không phục vụ mục đích khác.
Ngành y tế cũng sẽ "làm sạch" và thống nhất dữ liệu, không thêm dữ liệu quản lý nào; tất cả dữ liệu từ BHYT, sổ sức khỏe điện tử, các mũi tiêm chủng sẽ tích hợp thống nhất với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Liên quan đến vấn đề này, nguồn tin trên Dân trí cho biết, trước đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng thông điệp 5K gồm “Khẩu trang-Khử Khuẩn-Khoảng cách-Không tụ tập-Khai báo y tế” đã không còn phù hợp, theo đó sẽ chỉ giữ lại 2K gồm “Khẩu trang-Khử khuẩn”.
Ảnh minh họa
Từ khi Covid-19 xuất hiện, khai báo y tế là một trong 5 biện pháp phòng dịch đơn giản nhưng được đánh giá là hữu hiệu, còn gọi thông điệp 5K (gồm khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, khai báo y tế, không tụ tập). Thông điệp này hai năm qua không chỉ áp dụng tại Việt Nam mà phổ biến cả thế giới.
Về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, theo báo Sức khoẻ & Đời sống, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, ở nước ta, dịch bệnh vẫn được kiểm soát trên phạm vi cả nước và có nhiều diễn biến tích cực khi có xu hướng giảm mạnh tại 4 tiêu chí: ca mắc mới, ca nhập viện, ca nặng và số tử vong.
Hiện số ca mắc cộng đồng trung bình hơn 10.000 ca/ngày và tử vong trung bình 9 ca/ngày trong 7 ngày qua. Trong đó, thống kê của Bộ Y tế cho thấy, ngày 25/4, số ca nhiễm được Bộ Y tế ghi nhận trong 24 giờ là 8.270, thấp nhất trong hơn 160 ngày; số ca tử vong cũng giảm mạnh.
Theo báo Người lao động, Bộ Y tế đang lấy ý kiến và hoàn tất dự thảo thông tư bổ sung bệnh Covid-19 vào danh mục bệnh nghề nghiệp (BNN) được hưởng BHXH, trong đó đề xuất 6 nhóm ngành nghề có nguy cơ lây nhiễm cao. Theo dự thảo này, bệnh Covid-19 nghề nghiệp là bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động (NLĐ) phải tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 có trong môi trường lao động. Cụ thể, theo hướng dẫn chẩn đoán, giám định bệnh Covid-19 nghề nghiệp thì nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc với vius SARS-CoV-2 bao gồm 6 nhóm là: Người làm nghề, công việc tại cơ sở y tế; người làm nghề, công việc trong phòng thí nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu SARS-CoV-2; người làm nghề, công việc trong khu cách ly tập trung, cách ly y tế tại nhà, cách ly y tế vùng có dịch, hỗ trợ chăm sóc người bệnh Covid-19 tại nhà; người làm nghề, công việc vận chuyển, phục vụ người bệnh Covid-19; người làm nghề, công việc vận chuyển, khâm liệm, bảo quản, hỏa táng, mai táng thi hài người bệnh Covid-19; người làm nghề, công việc phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm SARS-CoV-2. Bộ Y tế vẫn đang hoàn tất việc giải trình và xin ý kiến các bộ, ngành về việc đưa bệnh Covid-19 vào nhóm bệnh nghề nghiệp. Nếu được thông qua, đây là bệnh nghề nghiệp thứ 35 được công nhận tại Việt Nam. Đến nay, 37 quốc gia đã công nhận bệnh Covid-19 là bệnh nghề nghiệp. |
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm