Tại báo cáo giao ban tuyển sinh quý IV giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) với các trường đại học, cao đẳng sáng nay (30/11), đại biện Bộ GD&ĐT cho biết, công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo về cơ bản giữ ổn định như năm 2022.
Theo Bộ GD&ĐT, năm 2022, có 20 phương thức tuyển sinh đại học, trong đó có 2 phương thức chiếm tỉ lệ cao nhập học/chỉ tiêu và tỉ lệ nhập học theo các phương thức đó là thi tốt nghiệp (có 261.190 chỉ tiêu, có 245.040 thí sinh nhập học, tỉ lệ nhập học/chỉ tiêu là 93,82% và tỉ lệ nhập học theo các phương thức là 52,38%) và xét học bạ (có 224.042 chỉ tiêu, có 169.537 thí sinh nhập học, tỉ lệ nhập học/chỉ tiêu là 75,67% và chiếm 36,24% so với các phương thức khác).
Trong hơn 20 phương thức xét tuyển đại học này, nhiều phương thức không hiệu quả, thậm chí gây mất công bằng. Đặc biệt, khi nhìn phổ điểm, đối sánh giữa phương thức dựa trên học bạ và điểm tốt nghiệp THPT có sự chênh lệch đáng kể.
Chính vì vậy, các trường hết sức cân nhắc trong việc lựa chọn phương thức xét tuyển, đảm bảo hiệu quả, tin cậy, công bằng giữa các thí sinh. Bộ dự kiến, trong năm 2023 thí sinh chỉ chọn ngành không phải chọn phương thức. Hệ thống chung sẽ lọc tự động và gợi ý phương thức phù hợp, đạt điều kiện tốt nhất cho thí sinh, tránh việc phải lựa chọn nhiều cách xét tuyển.
Bộ GD&ĐT sẽ hướng dẫn các trường rà soát, loại bỏ phương thức không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh. Đồng thời, rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh 2023, trong đó có thể xem xét không xét tuyển sớm như năm 2022, thực hiện xét tuyển chung một đợt, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1.
Đại diện Bộ GD&ĐT đề nghị các trường sớm hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2023, hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng quy chế tuyển sinh hiện hành, tránh việc đưa ra phương thức tuyển sinh phức tạp, rắc rối với thí sinh; đồng thời định hướng công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Cũng tại buổi giao ban, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, trong tuyển sinh năm 2023, có một số điều chỉnh kỹ thuật, trong đó có việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyển sinh nhằm tạo thuận lợi, bảo đảm quyền lợi, sự công bằng cho thí sinh và các cơ sở đào tạo. Theo đó, toàn bộ quy trình đăng ký dự tuyển, thanh toán lệ phí, tổ chức xét tuyển và xử lý nguyện vọng, xác nhận nhập học được thực hiện trực tuyến trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung.
Thí sinh được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau, sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT và đã biết ngưỡng điểm xét tuyển do các cơ sở đào tạo công bố. Tất cả nguyện vọng của thí sinh trong đợt xét tuyển chính (đợt 1) được xử lý tập trung trên hệ thống để xác định ngành và trường mà thí sinh trúng tuyển theo nguyện vọng ưu tiên cao nhất.
Thí sinh được hưởng lợi nhiều nhất trong việc thực hiện thuận tiện các thủ tục trên hệ thống trực tuyến, đồng thời được bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất vào ngành, trường theo nguyện vọng và năng lực.
Các cơ sở đào tạo có dữ liệu về kết quả thi tốt nghiệp THPT, kết quả học tập bậc THPT và thông tin về ưu tiên khu vực, đối tượng của thí sinh trên Hệ thống để xét tuyển. Các cơ sở đào tạo được cạnh tranh bình đẳng và minh bạch để lựa chọn thí sinh phù hợp nhất. Tỉ lệ thí sinh ảo giảm mạnh, các cơ sở đào tạo tuyển được số lượng sát hơn với chỉ tiêu đã công bố.
Bộ GD&ĐT có dữ liệu đầy đủ, kịp thời và tin cậy về tuyển sinh của tất cả cơ sở đào tạo phục vụ nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước, đồng thời hỗ trợ các cơ sở đào tạo điều chỉnh chiến lược và phương thức tuyển sinh.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm