Ảnh minh họa.
Theo báo cáo về tình hình dịch sốt xuất huyết của Sở Y tế Bình Định, trong tuần qua, toàn tình ghi nhận gần 500 ca mắc mới, tăng hơn 30% so với tuần trước đó.
Cụ thể, trong tuần 20/10 đến 26/10, toàn tỉnh đã ghi nhận 466 ca bệnh sốt xuất huyết mắc mới, tăng 122 ca mắc với tuần trước đó. Như vậy, tính từ đầu mùa dịch đến ngày 26/10, toàn tỉnh Bình Định ghi nhận 3.726 ca bệnh sốt xuất huyết.
Đã có 140 xã/phường/thị trấn trên tổng số 159 xã/phường/thị trấn ở Bình Định có bệnh nhân sốt xuất huyết. Nhiều địa phương ở Bình Định có ca mắc cao như: Tây Sơn; An Nhơn; Hoài Nhơn; Phù Mỹ…
Ngay khi xuất hiện các ổ dịch, ngành y tế cùng chính quyền địa phương đã phun hóa chất, vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy). Thành lập các tổ phòng chống dịch cộng đồng để tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết.
Đồng thời, tỉnh Bình Định cũng đã chỉ đạo ngành y tế tỉnh này giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, cấp cứu điều trị kịp thời người bệnh sốt xuất huyết. Hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, phối hợp với địa phương xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo tổ chức truyền thông tại trường học về các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết.
Đặc biệt là tuyên truyền hướng dẫn các em học sinh thực hiện các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy. Tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, hạn chế việc chuyển tuyến các bệnh nhân trong khả năng điều trị nhằm giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên.
Đảm bảo dự trữ, cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế…phục vụ phòng chống dịch và điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết. Theo ghi nhận tại nhiều trường học ở Bình Định, nhà trường đã phối hợp với phụ huynh hướng dẫn học sinh ngay từ cấp tiểu học cách diệt muỗi, lăng quăng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để phòng sốt xuất huyết.
Liên quan đến tình hình dịch sốt xuất huyết trên cả nước, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, hiện bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Chính vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế kêu gọi người dân dành 10 phút mỗi tuần để diệt bọ gậy, lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như thường xuyên lau rửa, đậy kín các bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng; thường xuyên thay nước lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào các vùng nước đọng, hốc nước có nguy cơ phát sinh lăng quăng; ngủ màn, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi để phòng muỗi đốt ....
Đặc biệt, khi phát hiện sốt cao 39-40 độ C đột ngột, liên tục, cần đi khám bệnh để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc điều trị phù hợp, không tự ý điều trị tại nhà. Dịch sốt xuất huyết bùng phát theo mùa, có tính chất chu kỳ. Do thời tiết thời gian qua nóng ẩm, kèm nhiều mưa là điều kiện thích hợp để loăng quăng, bọ gậy phát triển.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm