Bệnh viện Nhi đồng 1
Ngày 13/10, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cho biết, các bác sĩ đơn vị này vừa cứu sống bệnh nhi 7 tuổi bị viêm não hoại tử hiếm gặp. Cụ thể, bệnh nhi là bé trai B.D.M (7 tuổi; ở tại quận 12, TP HCM).
Trước đó, M. bị sốt cao lên tới 39 độ C vào ngày thứ hai, lên cơn co giật, gọi không phản ứng nên gia đình vội đưa em đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM. Khi đến viện, bé không tỉnh, co giật toàn thân và có biểu hiện lâm sàng sốt cao liên tục, tri giác không cải thiện.
Sau 24h nhập viện, bé xuất hiện nhiều cơn co gồng, phù não tiến triển, tri giác mê, suy hô hấp tiến triển, giảm huyết áp. Các xét nghiệm sau đó cho thấy, phản ứng viêm tăng cao và tổn thương gan nặng. Chụp MRI não ghi nhận nhiều ổ hoại tử, xuất huyết và phù não lan tỏa 2 bên, phù hợp với viêm não hoại tử.
Các bác sĩ nhanh chóng cho bé thở ô xy, dùng thuốc chống co giật, kháng sinh, kháng siêu vi, chống phù não và tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân. Sau đó, bé được chuyển khoa Hồi sức Nhiễm điều trị phù não...
Sau 10 ngày điều trị, tình trạng suy hô hấp và sốc cải thiện, bé có tri giác cải thiện nhưng chậm. Bé được chuyển Khoa Nhiễm - Thần kinh điều trị duy trì bằng thuốc ức chế miễn dịch. Sau 2 tháng điều trị, bé cải thiện hoàn toàn về tri giác, nhận thức và vận động, tất cả giác quan bình thường. Bé xuất viện trong niềm vui vô bờ của gia đình và của cả bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện.
Bé M. thời điểm đang được điều trị tại khoa Hồi sức Nhiễm. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng 1
Trao đổi với Báo VietNamNet, bác sĩ Phùng Nguyễn Thế Nguyên - Trưởng khoa Hồi sức Nhiễm, Chủ nhiệm bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Dược TP HCM cho biết, đây là trường hợp viêm não hoại tử đầu tiên tại bệnh viện. Bệnh này rất hiếm, được mô tả đầu tiên năm 1995 ở châu Á, hiện nay, số ca mắc chưa được thống kê. Tuy nhiên, các báo cáo đến nay rất ít (nhiều nhất 12 trường hợp).
Theo bác sĩ Nguyên, bệnh đặc trưng bởi các biểu hiện thần kinh như co giật, nhanh chóng rối loạn tri giác, hôn mê có thể xuất hiện thường ngay sau nhiễm cúm A, cúm B, HHV-6, HSV, Mycoplasma...; kèm theo tổn thương gan diễn tiến nhanh. Bệnh não hoại tử cấp tính hầu hết ở các trẻ khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh lý, một vài trường hợp có yếu tố gia đình liên quan đến đột biến gene RANBP2.
Trưởng khoa Hồi sức Nhiễm, Chủ nhiệm bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Dược TP HCM thông tin thêm, nguyên nhân và tác nhân của bệnh chưa được biết rõ, các giả thuyết hiện nay có thể do miễn dịch và chuyển hóa liên quan đến các TNF, IL-1, IL-6. Bệnh có tiên lượng kém, tỷ lệ tử vong và di chứng thần kinh nặng cao.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm