Ẩm thực giữa dòng chảy lịch sử: Ăn gì khi đến TP.HCM dịp 30/4?

Ẩm thực giữa dòng chảy lịch sử: Ăn gì khi đến TP.HCM dịp 30/4?
Hòa cùng dòng người nô nức đổ về TP.HCM ngày 30/4 lịch sử, du khách đừng quên "bỏ túi" những món ăn nhất định phải thử: từ bánh mì, hủ tiếu trứ danh đến bánh canh cua sánh ngọt, cơm tấm huyền thoại và ly cà phê Đỗ Phủ đậm đà ký ức Sài Gòn xưa.

Lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là tâm điểm được người dân cả nước mong chờ. Từ khắp các nẻo đường đất nước, người dân đổ về TP.HCM - nơi trái tim tự hào của miền Nam, để được tận mắt chứng kiến những đoàn diễu binh hùng tráng, những màn duyệt đội rộn vang khí thế.

Ẩm thực giữa dòng chảy lịch sử: Ăn gì khi đến TP.HCM dịp 30/4?

Một góc đường phố của TP.HCM  (Ảnh: D.B)

TP.HCM đón khách thập phương không chỉ bằng khí thế hùng tráng trên những con phố rợp cờ hoa, bằng lòng yêu nước dâng trào trong từng nhịp bước, mà còn bằng những hương vị ẩm thực độc đáo, thấm đẫm bản sắc riêng. Trên từng con phố, trong từng ngõ nhỏ, "chất Sài Gòn" hiện ra qua những thân thuộc mà đầy mê hoặc.

Không cầu kỳ phô trương, những món ăn ấy bình dị như chính hơi thở của thành phố: một ổ bánh mì ấm nóng giữa ngã tư bụi nắng, một tô hủ tiếu gõ len lỏi vào buổi sáng còn bảng lảng hơi sương, một dĩa cơm tấm thơm lừng mỡ hành chào đón những bước chân mệt nhoài. Mỗi món ăn đều chứa đựng một phần tâm hồn thành phố: phóng khoáng, nồng hậu và chan chứa ký ức. Dưới đây là món ăn đặc sản ở TP.HCM mà du khách nên thử.

Ăn gì tại TP.HCM dịp 30/4: Ổ bánh mì hòa quyện hoàn hảo giữa các tầng hương vị

Ẩm thực giữa dòng chảy lịch sử: Ăn gì khi đến TP.HCM dịp 30/4?

Việc biến tấu bánh mì và ăn bánh mì của người Sài Gòn còn thể hiện rõ tính cách của người dân tại đô thị Sài Gòn - TP.HCM. (Ảnh: Hồng Phúc)

Không chỉ là món ăn sáng quen thuộc, bánh mì còn là món đặc sản gắn liền với văn hóa ẩm thực phong phú và đa dạng của thành phố này. Bánh mì có lẽ là lựa chọn lý tưởng cho bữa sáng, bữa trưa hay bữa tối khi thực khách tìm kiếm một món ăn nhanh gọn mà vẫn đầy đủ dưỡng chất.

Bên cạnh những ổ bánh mì truyền thống đã làm nên tên tuổi, TP.HCM còn khiến thực khách thích thú bởi sự đa dạng trong cách biến tấu nhân bánh, tạo nên một bức tranh ẩm thực đầy màu sắc và hương vị. Ở nhiều nơi trong thành phố, người ta có thể dễ dàng bắt gặp những chiếc bánh mì bò, bánh mì cá hộp, bánh mì chả thịt, bánh mì rau củ hay bánh mì nấm...

Không dừng lại ở đó, thực khách còn có thể tìm thấy các biến thể hấp dẫn khác như bánh mì pate - gà, bánh mì bì, bánh mì pate - thịt - chả - chà bông hay bánh mì pate - xíu mại. Mỗi loại bánh mì là sự sáng tạo trong cách kết hợp nguyên liệu, khiến cho từng ổ bánh không chỉ đơn thuần là món ăn lót dạ mà còn là những phiên bản tinh tế của nghệ thuật ẩm thực đường phố.

Một trong những món bánh mì đặc sắc mà thực khách không thể bỏ qua chính là bánh mì bò nướng bơ. Xuất phát từ nền ẩm thực Campuchia, món ăn này nhanh chóng chinh phục trái tim người Sài Gòn bằng hương vị thơm nồng khó cưỡng. Bánh mì được cắt đôi, phết lên lớp bơ béo ngậy rồi đem nướng trên than hồng, khiến vỏ bánh giòn rụm và tỏa mùi thơm hấp dẫn.

Khi ăn, bánh mì sẽ được kèm cùng những xiên bò nướng đậm đà, thịt được nướng vừa chín tới, giữ nguyên độ mọng nước, quyện cùng vị béo của vân mỡ và chút cay nhẹ của tương ớt. Đi kèm còn có đu đủ sợi ngâm chua, giúp cân bằng vị giác và khiến món ăn thêm tròn vị. Ngoài ra, thực khách cũng có thể lựa chọn bánh mì nhân thịt nướng than hoặc gà rim xé.

Ăn gì tại TP.HCM dịp 30/4: Lạc bước qua những “phiên bản” hủ tiếu gây thương nhớ

Ẩm thực giữa dòng chảy lịch sử: Ăn gì khi đến TP.HCM dịp 30/4?

Món ăn đậm chất Nam Bộ với nước dùng trong ngọt, sợi hủ tiếu dai mềm, ăn kèm thịt, đôi khi có thêm trứng cút. (Ảnh: Hoàng Ba Đình)

Đặt chân đến TP.HCM, mỗi thực khách sẽ được đắm chìm trong từng cung bậc vị giác, cảm nhận sự tinh tế trong từng sợi hủ tiếu. Nhắc đến hủ tiếu, không thể không kể đến hủ tiếu Nam Vang - được du nhập từ Campuchia, nhưng khi về đến Sài Gòn, người dân khéo léo biến tấu cho phù hợp với khẩu vị địa phương. Nước dùng của hủ tiếu Nam Vang trong veo, mang vị thanh ngọt tự nhiên, hấp dẫn thực khách bởi sự kỳ công trong từng công đoạn chế biến.

Nếu muốn tìm một món ăn mang đậm dấu ấn đường phố, du khách nhất định phải thử hủ tiếu gõ Sài Gòn. Tên gọi độc đáo này bắt nguồn từ những tiếng "gõ" báo hiệu quen thuộc của những xe hủ tiếu rong len lỏi khắp các con hẻm. Những gánh hủ tiếu giản dị ấy đã trở thành một phần ký ức khó quên với nhiều người. Chỉ trong chốc lát, với giá rất rẻ, thực khách đã có thể thưởng thức một tô hủ tiếu gõ nóng hổi, thơm phức với đầy đủ topping như xương heo, thịt bằm, sườn non, tôm khô, mực nướng, trứng cút…

Những tín đồ mê hải sản chắc chắn sẽ yêu thích món hủ tiếu mực - một sự biến tấu thú vị từ món hủ tiếu truyền thống. Vẫn là nước dùng ngọt thanh, nhưng thay vì topping thịt heo hay tôm, tô hủ tiếu này nổi bật với những miếng mực tươi ngon, dai ngọt tự nhiên. Thêm một sự lựa chọn đầy hấp dẫn khác chính là hủ tiếu bò kho - món ngon "đổi gió" được nhiều thực khách yêu thích. Bò kho mềm nhừ, thấm đẫm gia vị, kết hợp với sợi hủ tiếu dai dai tạo nên cảm giác vừa lạ vừa quen.

Không thể không nhắc đến hủ tiếu sa tế - món ngon mang đậm dấu ấn của cộng đồng người Hoa tại TP.HCM mang vị cay nồng, đậm đà khó cưỡng, với nước dùng nấu kỳ công từ hơn 20 loại gia vị khác nhau. Ngoài ra còn có hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Sa Đéc - món ăn nổi bật nhờ sợi hủ tiếu to bản, dai giòn đặc trưng được làm từ gạo thượng hạng của Đồng Tháp Mười.

Ăn gì tại TP.HCM dịp 30/4: Hương vị Sài thành trong từng hạt cơm tấm, từ sườn nướng đến chả trứng mềm mịn

Ẩm thực giữa dòng chảy lịch sử: Ăn gì khi đến TP.HCM dịp 30/4?

Dĩa cơm tấm đầy đủ tại quán “Cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn”. Ăn kèm với cơm tấm là nước mắm tỏi ớt pha kẹo lại, có vị ngọt đặc trưng kiểu miền Nam, và nhất là không thể thiếu dĩa nhỏ gồm rau muống bóp thấu cùng kim chi - phục vụ khẩu vị những binh lính Đại Hàn khi xưa. (Ảnh: Nguyên Thịnh)

Dù cơm tấm có mặt ở nhiều nơi trên khắp cả nước, nhưng chỉ khi đến TP.HCM, thực khách mới có thể cảm nhận trọn vẹn "chuẩn vị" đích thực của món ăn này. Một trong những yếu tố khiến cơm tấm trở nên đặc biệt chính là cách nấu cơm. Cơm tấm được nấu bằng nồi gang hoặc nồi đất và đặc biệt đun bằng củi.

Bên cạnh đó, các topping ăn kèm như sườn, bì, chả, đồ chua, nước sốt mỡ hành và nước mắm chua ngọt kết hợp với nhau tạo nên một tổng thể hương vị hài hòa, khó cưỡng. Tùy vào sở thích và khẩu vị của mỗi người, cơm tấm còn có thể thêm các topping khác như trứng ốp la, gà nướng hay cá kho.

Về các loại cơm tấm, cơm tấm sườn nổi bật với những miếng sườn nướng được tẩm ướp gia vị vừa vặn, khi nướng lên mang lại mùi thơm đặc trưng, béo mềm và ngọt thịt. Cơm tấm bì với bì làm từ da heo luộc, thái sợi, trộn cùng thính và gia vị, tạo nên sự kết hợp hoàn hảo giữa vị giòn, ngọt của bì và mùi thơm đặc trưng. Còn cơm tấm chả, với chả trứng được làm từ thịt heo xay nhuyễn trộn với miến, nấm hương và mộc nhĩ, mang đến một miếng chả mềm mại, béo ngậy, thơm ngon.

Ăn gì tại TP.HCM dịp 30/4: Ly cà phê “tròn vị” tại căn hầm bí mật của Biệt động Sài Gòn xưa

Ẩm thực giữa dòng chảy lịch sử: Ăn gì khi đến TP.HCM dịp 30/4?

Địa điểm này trước năm 1975 là cơ sở hoạt động bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn, được quản lý bởi ông Trần Văn Lai (Năm Lai). Quán cà phê Đỗ Phủ còn có những món nước giải khát kiểu Sài Gòn như cà phê sữa, cà phê bơ Pháp, quẩy nóng chấm bạc xỉu, sâm dứa sữa, sirô đá bào… (Ảnh: Nguyên Thịnh)

Nếu đã “yêu” cơm tấm, chắc chắn không thể bỏ qua quán Cà phê Đỗ Phủ – cơm tấm Đại Hàn nằm trên con đường Đặng Dung (phường Tân Định, quận 1). Không chỉ đơn thuần là một địa chỉ ẩm thực, nơi đây còn là chứng nhân lịch sử, lưu giữ dấu ấn oai hùng của lực lượng Biệt động Sài Gòn trong thời kỳ kháng chiến trước năm 1975.

Một nét thú vị của quán là sự giao thoa ẩm thực độc đáo, khi cơm tấm Việt Nam kết hợp cùng kim chi do lính Hàn đề xuất. Menu của Cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn tương tự những quán cơm tấm thông thường nhưng có sự kết hợp với mô hình quán cà phê khá thú vị. Đồ uống tại đây giữ nguyên những thức uống quen thuộc như cà phê đen đá, bạc xỉu, trà đá, đi kèm với các món ăn vặt xưa đậm chất Sài Gòn.

Đặc biệt, những cái tên đầy tò mò như bia bơ, cà phê bơ Pháp, cocktail Sài Gòn đã làm mới trải nghiệm của du khách, mang đến cảm giác vừa lạ vừa gần gũi. Giá đồ uống cũng rất dễ chịu, phù hợp cho cả khách Việt lẫn khách quốc tế muốn dừng chân thưởng thức hương vị xưa trong không gian đầy hoài niệm.

Ẩm thực giữa dòng chảy lịch sử: Ăn gì khi đến TP.HCM dịp 30/4?

Thực chất, bên trong quán là nơi cất giữ, chuyển giao thư từ, tài liệu, thuốc men, tiền, vàng. Chiếc tủ quần áo bằng gỗ trên tầng lầu của quán là nơi nguỵ trang, che giấu căn hầm bí mật, vừa đủ một người chui vào. (Ảnh: Nguyên Thịnh)

Ngày nay, bên cạnh việc đơn thuần thưởng thức món ăn hay ly cà phê, những tour du lịch kết hợp giữa ẩm thực và lịch sử tại đây đã dần trở thành điểm nhấn đặc biệt. Từng câu chuyện về những ngày tháng hoạt động bí mật, về cách ngụy trang tinh vi trong từng bữa cơm, ly cà phê để che mắt địch được tái hiện sinh động, khiến cho mỗi bước chân tham quan không chỉ đơn giản là nhìn ngắm mà còn là sự lắng đọng, suy ngẫm.

Chính vì vậy, loại hình du lịch này ngày càng thu hút những tín đồ yêu ẩm thực, đam mê lịch sử và mong muốn tìm lại nhịp sống xưa cũ giữa TP.HCM náo nhiệt. Từ tô cơm tấm đậm đà cho đến ly cà phê thơm nồng, tất cả đã hòa quyện lại, kể tiếp cho du khách câu chuyện về một TP.HCM rất đỗi tự hào và yêu thương.

Ăn gì tại TP.HCM dịp 30/4: Bước chân vào thế giới sủi cảo đậm vị người Hoa

Ẩm thực giữa dòng chảy lịch sử: Ăn gì khi đến TP.HCM dịp 30/4?

Tô mì sủi cảo với nhân xá xíu đầy đặn, thường ăn kèm nước dùng ngọt thanh. (Ảnh: Hoàng Ba Đình)

Không chỉ có phở, cơm tấm hay hủ tiếu, thành phố này còn khiến thực khách say mê bởi những quán sủi cảo thơm ngon chuẩn vị người Hoa đã hiện diện từ hơn 30 năm về trước. Thành phần trong một tô thập cẩm gồm: Cá viên, mực ngâm tro, da heo và rau cải, có thể thêm mì hoặc hủ tiếu. Nếu như mực thì phải được ngâm trong nước tro rồi phơi khô thì hầu hết nguyên liệu còn lại đều được nấu bằng công thức truyền thống của người Hoa.

Theo Tạp chí Du lịch TP.HCM, nước lèo của sủi cảo cũng mang một phong vị rất riêng. Không đậm đà như nước dùng các món Việt, nước lèo ở đây trong trẻo, nhẹ nhàng, béo ngậy từ xương hầm, không nêm nếm quá nhiều gia vị để giữ trọn vị ngọt tự nhiên. Khi ăn, mỗi người sẽ tự tay thêm tương ớt, tương đen, nước tương, sa tế hay giấm để pha ra một hương vị nước lèo "đúng gu" của mình.

Đặc biệt, nếu thích ăn no hơn, thực khách có thể gọi thêm mì trứng hoặc hủ tiếu. Mì tại đây thường được chọn là mì trứng tròn tròn, kết hợp với các nguyên liệu đã nấu nướng kỹ, du khách cắn một miếng sủi cảo chiên giòn thơm ngon, chấm với tương ớt xí muội hoặc sa tế, nhai cùng lúc để cảm nhận nét thưởng thức rất riêng biệt giữa lòng thành phố sôi động.

Ăn gì tại TP.HCM dịp 30/4: Phong vị đặc trưng của bánh canh cua giữa phố xá tấp nập

Ẩm thực giữa dòng chảy lịch sử: Ăn gì khi đến TP.HCM dịp 30/4?

Tô bánh canh cua hấp dẫn trong chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10). (Ảnh: Hoàng Ba Đình)

Một suất bánh canh cua đầy đủ thường bao gồm thịt cua chắc ngọt, tôm tươi, giò gân mềm dai và chả cá thơm lừng. Nước dùng đậm đà, sánh mịn quyện đều cùng sợi bánh canh được làm từ bột gạo, dai mềm vừa phải, không bị nát khi thưởng thức. Khi ăn kèm thêm quẩy giòn rụm, chấm cùng nước lèo béo ngậy, thực khách sẽ cảm nhận được một hương vị khó cưỡng, đầy hấp dẫn ngay từ miếng đầu tiên.

Thịt cua, tôm, giò hay chả cá đều giữ được độ dai tự nhiên, chỉ cần cắn nhẹ là biết ngay được chất lượng, hoàn toàn không phải đồ đông lạnh. Nước dùng, được nấu từ cua tươi, mang vị ngọt thanh tự nhiên và trong vắt, khác hẳn với vị ngọt gắt của gia vị công nghiệp.

Tại một số quán, thay vì dùng thịt cua luộc đơn thuần, người bán chọn cách xào cua trước khi cho vào tô bánh canh. Những con cua đã được lột vỏ, nhập từ nguồn lâu năm ở chợ Bến Thành, sau đó xào cùng dầu điều và nêm nếm gia vị để khử mùi tanh, làm dậy lên màu vàng óng ả, thơm lừng. Quá trình xào cua đòi hỏi sự khéo léo: phải đảo nhanh tay trên lửa nhỏ để thịt chín đều, lên màu đẹp mà vẫn giữ được độ mềm ngọt tự nhiên, đặc biệt là phần càng cua chắc nịch.

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Cùng chuyên mục
Cách bổ sung kẽm và sắt cho bé an toàn, hiệu quả

Cách bổ sung kẽm và sắt cho bé an toàn, hiệu quả

29-04-2025 16:16

Việc bổ sung kẽm và sắt cho bé đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển thể chất và trí tuệ. Đây là hai vi chất thiết yếu giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ tăng trưởng chiều cao, phát triển trí não và phòng ngừa thiếu máu.

Nổi bật trang chủ
4 bộ phim cách mạng Việt Nam được chiếu tại Đức
29 Tháng 04, 2025

Ngày 28/4, Bộ VH,TT&DL ban hành Quyết định số 1199/QĐ-BVHTTDL về việc gửi phim để trình chiếu giới thiệu tại Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức.

Đọc thêm
Ông Kim Jong un tuyên bố xây đài tưởng niệm sau ‘sứ mệnh thiêng liêng’ ở Kursk

Ông Kim Jong un tuyên bố xây đài tưởng niệm sau ‘sứ mệnh thiêng liêng’ ở Kursk

29 Tháng 04, 2025

Ông Kim Jong Un tin rằng sự tham gia của lực lượng Triều Tiên vào hoạt động giải phóng Khu vực Kursk của Nga là...

Bắt giữ một người mượn ‘mác' cán bộ để bán lẻ ma túy

Bắt giữ một người mượn ‘mác' cán bộ để bán lẻ ma túy

29 Tháng 04, 2025

Công an xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) vừa bắt giữ bị can trước đó có nhân thân sạch để bán lẻ ma...

Giá vàng hôm nay 29/4 giảm mạnh 1,5 triệu đồng/lượng, thế giới về gần 3.300 USD

Giá vàng hôm nay 29/4 giảm mạnh 1,5 triệu đồng/lượng, thế giới về gần 3.300 USD

29 Tháng 04, 2025

Giá vàng trong nước hôm nay (29/4) giảm mạnh 1 triệu 500 ngàn, về mức 119,5 triệu đồng/lượng; Còn vàng thế giới giảm về gần...

Tạm đình chỉ 3 học sinh trong vụ xô xát sau giờ học ở Bắc Giang

Tạm đình chỉ 3 học sinh trong vụ xô xát sau giờ học ở Bắc Giang

29 Tháng 04, 2025

Trường THCS thị trấn Đồi Ngô số 1 (huyện Lục Nam) đã tạm đình chỉ học tập 3 học sinh trong vụ xô xát sau...

Hà Nội: Không để hành khách bị dồn ứ hay thiếu xe dịp lễ 30-4

Hà Nội: Không để hành khách bị dồn ứ hay thiếu xe dịp lễ 30-4

29 Tháng 04, 2025

Dự kiến, 3 bến xe lớn của Hà Nội sẽ tăng cường hơn 600 lượt xe phục vụ người dân trong cao điểm nghỉ lễ...

0.88208 sec| 2296.039 kb