Liên tục nợ bảo hiểm xã hội
Trường Dewey Schools (trước đây là trường Gateway) thuộc hệ sinh thái Edufit của chị em doanh nhân Trần Thị Hồng Vân, Trần Thị Hồng Hạnh và Trần Thị Huyền. Dù Dewey Schools đang mở rộng quy mô và có số lượng học sinh đông đảo nhưng Giáo dục Edufit vẫn liên tục bị nêu tên nợ thuế.
Mới đây, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã công bố Danh sách đơn vị sử dụng lao động chậm đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp từ 1 tháng trở lên trên địa bàn thành phố Hà Nội tháng 4/2024. Công ty cổ phần Giáo dục Edufit (Giáo dục Edufit) nằm trong danh sách này. Thời gian nợ là 1 tháng, số tiền nợ là hơn 603 triệu đồng.
Đây không phải lần đầu tiên Công ty Giáo dục Edufit nằm trong danh sách này. Trước đó, Giáo dục Edufit cũng bị “bêu tên” nợ bảo hiểm tháng 3/2024 với số thời gian nợ 1 tháng, số tiền nợ là 637 triệu đồng. Không chỉ nợ bảo hiểm, Giáo dục Edufit còn nợ người lao động. Tại ngày 30/6/2023, Giáo dục Edufit ghi nhận 8,6 tỷ đồng phải trả người lao động. Con số này hồi cuối kỳ trước còn cao hơn, lên đến 13,1 tỷ đồng.
Tăng nguy cơ phá sản
Công ty cổ phần Giáo dục Edufit thành lập ngày 31/5/2017 với người đại diện pháp luật là bà Trần Thị Hồng Vân. Trong năm tài chính 2022 kết thúc tại ngày 30/6/2023, Giáo dục Edufit ghi nhận doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ lên tới 200 tỷ đồng, tăng 122,4 tỷ đồng, tương đương 158% so với năm trước đó. Giá vốn hàng bán tăng mạnh từ 93,9 tỷ đồng lên 197 tỷ đồng nhưng công ty vẫn đạt được lợi nhuận gộp dương là 2,9 tỷ đồng. Năm trước, công ty lỗ gộp 16,3 tỷ đồng.
Trong năm, công ty nỗ lực tiết giảm tất cả các chi phí. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm từ 26,7 tỷ đồng xuống 26 tỷ đồng. Chi phí bán hàng giảm từ 11,1 tỷ đồng xuống 9,6 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm từ 51,8 tỷ đồng xuống 38,4 tỷ đồng. Thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” không giúp cho Giáo dục Edufit thoát được một năm thua lỗ mà chỉ tiết giảm thua lỗ. Theo đó, năm 2022, công ty lỗ sau thuế 80,2 tỷ đồng, giảm sâu so với con số lỗ 154 tỷ đồng của năm 2021.
Trước đó, Giáo dục Edufit cũng có nhiều năm kinh doanh bết bát. Vì vậy, tại ngày 30/6/2023, công ty gánh lỗ lũy kế 631 tỷ đồng. Với vốn góp chủ sở hữu 300 tỷ đồng, Giáo dục Edufit chứng kiến vốn chủ sở hữu âm 331 tỷ đồng). Giáo dục Edufit rơi vào tình cảnh âm vốn chủ sở hữu nghĩa là nợ phải trả lớn hơn tổng tài sản. Cụ thể, tại ngày 30/6/2023, với tổng tài sản và nợ phải trả là 145 tỷ đồng và 476 tỷ đồng, Hệ số khả năng thanh toán tổng quát của Giáo dục Edufit chỉ là 0,3.
Theo lý thuyết, Hệ số khả năng thanh toán tổng quát nhỏ hơn 1 “Thể hiện khả năng thanh toán của doanh nghiệp thấp, khi chỉ số càng tiến dần về 0, doanh nghiệp sẽ mất dần khả năng thanh toán, việc phá sản có thể xảy ra nếu doanh nghiệp không có giải pháp thực sự phù hợp”.
Đây không phải lần đầu tiên Giáo dục Edufit rơi vào tình cảnh này. Trước đó, tại ngày 30/6/2022, Hệ số khả năng thanh toán tổng quát của công ty cũng nhỏ hơn 1 và chỉ đạt 0,38. Có thể thấy, nguy cơ phá sản của Giáo dục Edufit có xu hướng tăng tại thời điểm 30/6/2023.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm